Cái lỗ trên ghế nhựa dùng để làm gì? Vì sao trên mặt ghế nhựa lại có một lỗ nhỏ? Nó có tác dụng gì không? Bạn đã bao giờ để ý và thắc mắc về cái lỗ nhỏ này dùng để làm gì không?
Trong đời sống hàng ngày, chắc hẳn chúng ta ai cũng đã từng có ít nhất 1 lần dùng qua loại ghế nhựa bình dân, hoặc có một vài cái ở nhà, nhưng bạn có biết tại sao ở giữa cái ghế nhựa lại cần có một cái lỗ không? Câu hỏi này thoạt nghe rất đơn giản, nhưng lại có rất nhiều đáp án khác nhau!
Nhiều khi đi trà đá vỉa hè, hay khi ngồi nhậu ở những quán nhậu bình dân vỉa hè với những chiếc ghế nhựa xanh đỏ, nhưng liệu bạn có để ý và biết tại sao trên mỗ chiếc ghế nhựa đều có một cái lỗ tròn nhỏ ở chính giữa không? Hãy cùng khám phá nguyên nhân của nó nhé!
Không phải tự nhiên mà nhà sản xuất lại phải mất công khoét thêm một lỗ tròn nhỏ khi sản xuất ghế cho mất công, hoặc cũng không phải tạo thêm một cái lỗ nhỏ đó để tiết kiệm nguyên liệu. Nhiều người còn hài hước và nghĩ sâu xa hơn và cho rằng chiếc lỗ được tạo ra để ngồi cho đỡ bí bách và dễ… xì hơi, tuy nhiên lý do chính không phải như vậy.
Cái lỗ trên ghế nhựa dùng để làm gì? Có tác dụng gì?
1. Lỗ nhỏ giúp lấy ghế dễ dàng hơn
Ghế nhựa có thiết kế thêm một cái lỗ nhỏ như vậy là có mục đích cho nhiều chiếc ghế có thể xếp chồng lên nhau, thuận tiện cho việc cất giữ và vận chuyển. Như chúng ta đã biết, việc xếp chồng chiếc ghế lên nhau là để tiết kiệm diện tích, nó cũng giống như chúng ta xây nhà có nhiều tầng vậy.
Khi những chiếc ghế được xếp chồng lên nhau, nếu như ở giữa không có một lỗ hở, chiếc ghế ở trên và dưới sẽ bị dính chặt vào nhau, áp lực không khí khiến cho việc nhấc chiếc ghế và tách chúng ra ra sẽ khó khăn hơn.
Chắc chắn đã có không ít lần bạn gặp phải những cảnh khổ sở khi cố gỡ hai cái chậu dính chặt vào nhau, và vì do 2 cái chậu không có lỗ nhỏ ở giữa… và cả ghế nhựa đôi khi cũng bị dính chặt như vậy, nhưng chiếc lỗ nhỏ là cứu tinh trong lúc này.
2. Chống lại hiệu ứng chân không
Bạn còn nhớ thí nghiệm vật lý “bán cầu Magdeburg” thời trung học không? Môi trường chân không bên trong khiến ta cần phải dùng một lực cực kỳ mạnh mới có thể kéo bán cầu đó ra.
Thí nghiệm về chân không: 2 nhóm, mỗi nhóm 8 con ngựa kéo hết sức mà vẫn không thể tách rời được hai nửa bán cầu bằng đồng xếp khít với nhau và được hút hết không khí bên trong.
Cũng tương tự như thí nghiệm về chân không ở trên, nếu những chiếc ghế nhựa không có lỗ nhỏ sẽ rất khó để gỡ và tách rời chúng ra, do hiệu ứng tương tự như chân không được tạo ra do khoảng trống giữa hai chiếc ghế bị nén lại.
3. Lỗ nhỏ trên ghế giúp vận chuyển dễ hơn
Ngoài những nguyên nhân và lý do nêu trên ra thì nhiều người còn cho rằng, chiếc lỗ nhỏ ở giữa chiếc ghế nhựa còn giúp cho việc vận chuyển dễ dàng hơn, vì người ta có thể luồn dây hoặc cây gậy vào cái lỗ đó để di chuyển cả chồng ghế mà không sợ bị tuột.
Tại sao không phải lỗ vuông mà là lỗ tròn? Đầu tiên, nếu nhà sản xuất tạo ra một cái lỗ hình vuông sẽ khiến cho lỗ có nhiều vết sắc, khi chúng ta luồn ngón tay vào chiếc lỗ vuông sẽ dễ bị chảy máu do các góc có cái lỗ có thể tạo ra.
Thứ hai, nguyên lý chịu lực. Việc tạo lỗ nhỏ trên ghế nhựa cũng giống như ô cửa sổ máy bay hình bầu dục, bởi vì đối với hình vuông hay lỗ có góc nhọn, phần lớn áp lực đều tập trung ở góc cạnh, khi chịu áp lực nó sẽ dễ dàng bị nứt và vỡ hơn. Điều này ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm và người sử dụng.
Tại sao nhà sản xuất lại chỉ tạo có một lỗ? Nếu để thông khí, kích thước vừa vặn thì một cái lỗ là đủ. Tại sao lại cần lỗ hổng không to cũng không nhỏ?. Nếu quá to sẽ ảnh hưởng đến cường độ và kết cấu, cũng như ảnh hưởng tới độ bền của sản phẩm, nếu quá nhỏ thì khi muốn kéo ghế, đầu ngón tay của chúng ta sẽ không thể thò vào được.
Ngoài những cách giải thích ở trên ra, cũng có rất nhiều cách giải thích khoa học và thú vị khác về chiếc lỗ trên chiếc ghế nhựa này. Theo đó, có ý kiến cho rằng nếu ghế bị ướt thì chiếc lỗ này sẽ giúp nó mau khô và không bị đọng nước.
Ngoài những cách giải thích trên đây ra, nếu còn cách giải thích nào hợp lý và chính xác hơn, mong các bạn đóng góp để có câu trả lời chính xác và hợp lý nhất nhé!